Tình trạng thiếu hụt linh kiện trên toàn cầu khiến GPU ngày càng trở nên khan hiếm, dẫn đến 1 hệ lụy: người dùng khó có thể mua được GPU do mức giá của chúng bị đôn lên cao ngất ngưởng. Vì vậy, nhiều người suy tính đến việc mua lại những chiếc GPU cũ, đã qua sử dụng có trên thị trường. Tuy nhiên, lối đi này có rất nhiều cạm bẫy.
Nghiên cứu hiệu năng tương đương qua các thế hệ
Rất khó để bạn có thể mua được GPU thế hệ hiện tại trên thị trường đã qua sử dụng. Hầu hết các GPU có sẵn để bán đều thuộc thế hệ sản phẩm trước đó hoặc cũ hơn. Điều này khiến việc đánh giá chiếc card đồ họa nào phù hợp với bạn, hay mức giá nên chi ra cho chúng là bao nhiêu, trở nên khó khăn hơn.
Đó là lý do tại sao việc tìm hiểm xem các chiếc card đã qua sử dụng có sức mạnh tương đương những chiếc card nào ở thế hệ hiện tại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. GPU cao cấp từ 2 – 3 thế hệ trước có thể chỉ tốt bằng một chiếc card tầm trung hoặc thấp cấp ngày nay. Vì thế, mua 1 chiếc card cấp thấp đời mới dường như lại là lựa chọn hợp lý hơn, ít nhất là trong trường hợp chiếc card đó đáp ứng nhu cầu về hiệu năng của bạn.
Điều tra lai lịch của chiếc card đồ họa
Việc biết xuất xứ của 1 GPU đã qua sử dụng có thể rất quan trọng. Lời khuyên phổ biến nhất là bạn nên tránh mua các GPU đã từng sử dụng cho mục đích đào tiền điện tử. Tuy nhiên, những lo ngại đó đã bị thổi phồng quá mức và các GPU đào tiền điện tử cũ có thể là một giải pháp tốt nếu bạn biết rõ mình đang làm gì.
Lai lịch của chiếc card gần như không quan trọng bằng trạng thái hiện tại của nó, nhưng một số dữ kiện có thể quan trọng. Đặc biệt là nếu chiếc card đó là 1 bo mạch OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc) chưa bao giờ được bán lẻ. Những chiếc card này được xây dựng nhằm mục đích tích hợp vào những chiếc máy tính đã dựng sẵn và thường không có nhãn hiệu. Về lý thuyết, không có vấn đề gì đối với 1 chiếc card OEM, nhưng bạn sẽ phải đặc biệt chú ý đến việc liệu chiếc card OEM đó có cùng thông số kỹ thuật, tốc độ xung nhịp cũng như chất lượng linh kiện như những chiếc card bán lẻ trên thị trường hay không.
Kiểm tra kỹ càng đối với chiếc card đồ họa
Đây có lẽ là phần quan trọng nhất của việc mua 1 chiếc GPU đã qua sử dụng. Nếu mua card trực tiếp từ một người bán, tốt nhất là bạn nên kiểm tra và chạy thử chiếc card trước khi “xòe tiền”. Điều đó đồng nghĩa rằng bạn sẽ phải mang theo hệ thống desktop của mình, hoặc trao đổi với người bán mang card đồ họa sang nơi bạn sống, hay yêu cầu họ lắp sẵn chiếc card vào máy tính khi đến nơi.
Bạn nên sử dụng 1 chương trình thử nghiệm stress, chẳng hạn như FurMark để kiểm tra có bất kỳ vấn đề giật hình nào hay không, hoặc GPU có quá nóng hay không. Ngoài ra, bạn cũng có thể chạy thử nghiệm benchmark bằng 1 chương trình như 3DMark để có thể xem liệu chiếc card có hoạt động bình thường hay không. GPU-Z cũng là 1 chương trình cần thiết cho việc kiểm tra card đò họa và đảm bảo rằng thông tin mà phần mềm này hiển thị hoàn toàn giống với các mô tả mà người bán đề cập. Cuối cùng, nếu có thời gian, bạn cũng nên thử chơi game để chắc chắn rằng chiếc card đồ họa không có vấn đề gì trong quá trình này.
Ngoài các kiểm tra dựa trên phần mềm, hãy lắng nghe tiếng động mà chiếc card phát ra khi sử dụng. Liệu quạt có phát ra tiếng kêu lạch cạch hay không? Quạt có quay không? Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy quạt cần được thay thế, vốn có thể phức tạp hoặc đơn giản, tùy thuộc vào từng mẫu card đồ họa cụ thể.
Nếu chiếc card quá nóng hoặc gặp các vấn đề đồ họa, quạt cũng có thể không quạt động như dự kiến. Ngoài ra, đặc biệt trên các chiếc card đồ họa cũ, keo tản nhiệt nằm giữa GPU và cụm tản nhiệt (heatsink) có thể không còn tốt nữa. Vấn đề này có thể giải quyết ổn thỏa nếu bạn sẵn sàng tháo chiếc card ra, làm sạch cụm tản nhiệt và quạt, sau đó trét lại phần keo tản nhiệt mới. Dẫu thế, trừ khi người bán sẵn lòng cho phép bạn hoàn trả lại chiếc card nếu không hoạt động ngay sau khi thực hiện những sửa chữa như vậy, thì tốt nhất, bạn nên chuyển sang một lựa chọn khác.
Cuối cùng, hãy thử lấy chiếc card ra khỏi máy tính đã thử nghiệm và kiểm tra lại bằng mắt. Một chút bụi không phải là vấn đề lớn, nhưng nếu cụm tản nhiệt hoặc quạt bị lỏng, bất kỳ thành phần nào gắn trên bo mạch bị cong hoặc có những linh kiện điện tử trông không ổn, chẳng hạn như tụ điện, bạn nên bỏ qua chiếc card đồ họa đó.
Sử dụng biện pháp bảo vệ thanh toán khi mua hàng trực tuyến
Nếu mua 1 chiếc card đã qua sử dụng trực tuyến, rõ ràng, bạn không thể thực hiện bất kỳ cách thức kiểm tra nào cho đến khi đã thanh toán và nhận hàng. Trong trường hợp như vậy, hãy tận dụng các nền tảng trực tuyến có cung cấp một số biện pháp bảo vệ cho bạn. Nếu mua phải 1 sản phẩm hỏng, bạn có thể hoàn trả và lấy lại tiền của mình.
Hãy chú ý đến các điều khoản và điều kiện bán hàng, đồng thời đảm bảo rằng bạn cảm thấy thoải mái với chúng trước khi thanh toán.
Nguồn: How To Geek